“Giải mã” các kỹ thuật custom quần áo phổ biến nhất hiện nay
Những bộ quần áo được làm mới bằng cách thêu thùa hay nhuộm màu để thể hiện rõ cá tính của người sở hữu thường được gọi với cái tên “custom quần áo” . Vậy custom quần áo là gì mà hấp dẫn nhiều người đến vậy?
Khi hàng năm nhiều người chỉ bàn tán về những tác động tiêu cực của thời trang với môi trường nhưng theo một góc độ khác, thời trang đã là điểm khởi nguồn của muôn vàn sự sáng tạo cho các thế hệ. Nhiều bạn trẻ hiện nay vận dụng sự sáng tạo trong thời trang thông qua những giá trị mang tính lâu dài về nghệ thuật hay các yếu tố bảo vệ môi trường mà họ đang theo đuổi. Trong số đó, việc người trẻ ngày nay custom (tinh chỉnh) quần áo là một ví dụ điển hình.
Custom quần áo (Custom Clothing) là gì?
Custom là từ viết tắt của “Customize” – ám chỉ việc tùy chỉnh món đồ vật sẵn có sao cho chúng khác biệt với số đông và mang dấu ấn đặc trưng của người sở hữu món đồ. Nó cũng thuộc về sự sáng tạo nghệ thuật, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như vẽ lên sneaker, nhuộm màu cho áo, làm mới quần jeans… “Thú vui” này đã du nhập vào cộng đồng thời trang Việt Nam từ lâu và dần nhận được sự hưởng ứng đông đảo. Một số Custom Artist trong sân chơi thời trang đường phố nước nhà có danh tiếng và tay nghề cũng dần xem đây như một công việc hay nghề nghiệp cá nhân.
Cuộc chơi này cũng khá kén chọn khi nó đòi hỏi các nghệ nhân tham gia phải có kỹ năng chuyển đổi từ ý tưởng (suy nghĩ) thành sản phẩm (hành động). Đây là quá trình lao động và tạo ra giá trị cho sự sáng tạo của người artists, khi họ đã dựng lại cá tính, ý tưởng vào sản phẩm thời trang của riêng họ và góp một phần nhỏ vào bảo vệ môi trường.
Kỹ thuật này không chỉ được những người tiêu dùng thông thường áp dụng vào một món đồ cũ. Các ông lớn trong ngành công nghiệp thời trang như Uniqlo, Nike, Vans, H&M,.. cũng áp dụng customize vào một số sản phẩm mới. Người mua có thể để lại “dấu ấn” cá nhân bằng một số sticker, hình in hoặc màu sắc dựa vào sở thích khi mua món đồ mới từ hãng.
Các kỹ thuật Custom phổ biến hiện nay
1/ Paint: Nhuộm màu, vẽ, vẩy sơn…
Một cách phổ biến nhất trong các kỹ thuật custom chính là sử dụng sơn hoặc màu để trang trí cho tủ đồ mà chúng ta đang ở hữu. Kỹ thuật này sẽ dựa vào hoa tay của bản thân mà tạo nên các tác phẩm nghệ thuật có chủ đích như: artwork mà chúng ta yêu thích, hay đơn giản là các ký tự, nội dung mang đậm tính cách cá nhân. Từ đó, ngoài giấy vẽ ra thì các “artist” cũng có thêm một chất liệu mới để thỏa sức sáng tạo: vải vóc hay các chất liệu thuộc về thời trang.
Ngoài ra, quy luật bất đối xứng cũng có thể áp dụng vào custom áo quần bằng màu vẽ acrylic. Chỉ cần vẩy sơn nguệch ngoạc mà không có chủ đích, bạn vẫn có thể tạo ra “DNA” đặc biệt của mình thông qua quần áo. Kỹ thuật này được sử dụng rất nhiều từ các thương hiệu Streetwear nổi tiếng như Gallery Dept, Off White, BAPE, ASKYURSELF,…
Vốn dĩ sự nguệch ngoạc này chúng ta dễ dàng bắt gặp được từ những bác thợ sơn – khi quần áo họ lấm lem vì công việc, trang phục đó bỗng dưng có sự bụi bặm một cách rất “đường phố”. Liệu đây có phải là nguồn cảm hứng cho kỹ thuật customize vẩy sơn không chủ đích?
2/ Distressed/Destroyed (Phá hủy/ Làm rách)
Distressed/Destroyed còn có nhiều tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung, kỹ thuật này hướng đến việc làm rách, mài sờn… trang phục. Người ta sử dụng phương pháp custom này để làm cũ quần áo một cách có chủ ý để quần áo trở nên rách rưới, bụi bặm, phong trần… mang đậm tinh thần Grunge, Rock, Punk, Homeless-chic…
Nghệ thuật làm quần áo “rách rưới” này dường như chúng đồng nghĩa với những xu hướng thời trang Punk DIY. Nói về Punk, các tín đồ có thể dễ dàng hình dung về triều đại khổng lồ của xu hướng này cùng với những nhà thiết kế lão làng như Vivienne Westwood khi cho ra đời hàng loạt những trang phục Distressed xuất hiện trên các sàn diễn thời trang trong những năm 70– 80.
Trong khoảng thời gian đó, những thương hiệu thời trang tầm cỡ ngày nay như Comme des Garçons của Rei Kawakubo cũng đã trưng dụng nghệ thuật này với nhiều phương pháp làm cũ. Trong số đó có thể kể đến các phương pháp gồm sử dụng chất liệu bông cotton nhạt màu, nướng vải lụa bằng ánh mặt trời hay luộc vải len… để cho ra đời những thành phẩm Distressed/Destroyed đầy tính nghệ thuật.
Một Local Brand mới ra mắt cách đây vài tháng đã nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng bởi cách custom quần áo theo kiểu “phá hủy, làm rách”. Những video quay lại quá trình thương hiệu cho xe lướt qua áo hay kéo mũ lê lết trên đường thu về hàng trăm nghìn đến cả triệu lượt view trên TikTok. Mặc dù có nhiều tranh cãi xung quanh nhưng cách custom này quả là một kỹ thuật tuy dễ mà khó.
3/ Chemical (Dùng hóa chất xử lý màu)
Một kỹ thuật custom vô cùng dễ dàng mà bất cứ ai cũng có thể làm để custom trang phục chính là sử dụng hóa chất để tẩy, làm loang lổ, nhuộm màu…
Tie-dye là một ví dụ phổ biến trong việc sử dụng hóa chất trong customize. Được biết đến như một thuật ngữ thời trang xuất hiện vào giữa thập niên 60 ở Hoa Kỳ, Tie-dye bắt đầu phát triển mạnh mẽ và trở thành xu hướng trong những năm 70. Dịch theo tiếng Anh, “tie” có nghĩa là “buộc, thắt, cột”. Còn “dye” có nghĩa là “nhuộm”. Đây cũng chính là cách thức để tạo nên một chiếc áo thun Tie-Dye “handmade”.
Một cách khác để tạo ra những chiếc áo có hoa văn “quằn quại” chính là sử dụng hóa chất tẩy nhằm mục đích tạo ra Bleached (hiệu ứng chảy mực). Kỹ thuật này về cơ bản sử dụng hóa chất tẩy màu nhuộm của phần vải vốn có sao cho màu vải thật được lộ ra bên ngoài, kết hợp với phần vải đã được nhuộm từ trước ở vị trí khác sẽ tạo nên tổng thể lạ mắt.
4/ Áp dụng kỹ thuật may, chắp vá: Sew, Patchwork, Boro, Sashiko…
Trong các kỹ thuật may được dùng để custom trang phục, Patchwork là một phương pháp đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Hiểu đơn giản, Patchwork chính là khâu vá những mảnh vải khác nhau lên một bộ trang phục.
Những người dân lao động chân tay không đủ tiền để tiêu pha vào quần áo một cách thường xuyên và lành lặn được. “Cái khó ló cái khôn” – thế là các mẹ, các bà nội trợ đã nghĩ ra việc lấy các mảnh vải dư, mảnh vải thừa và kỹ thuật may đỉnh cao của mình để vá lên chỗ hư, mục, lỗ trên các trang phục quần áo đã quá đỗi cũ kĩ của mình. Vào những thập niên 60 và 70, các nhà thiết kế thời trang cao cấp và Haute Couture cũng như chính thống bắt đầu để ý tới kĩ thuật “Patchwork” thông qua cú trở mình của văn hóa đương đại mang tên “HIPPIE”.
Ở đất nước mặt trời mọc cũng có một kỹ thuật may vá nổi tiếng không kém mang tên Boro và Sashiko. Kỹ thuật Boro (May chắp vá) được ra đời vào thời đại Edo tại Nhật Bản kéo dài từ năm 1608 đến năm 1868. Trong thời kỳ này, những chất liệu như lụa mịn và vải bông chỉ dành cho giới thượng lưu thì những tấm vải vụn được tạo thành quần áo cho những người khó khăn hơn, họ gọi chúng là kỹ thuật khâu Sashiko. Kỹ thuật Boro đối với người Nhật là một lời nhắc nhở đáng xấu hổ về sự nghèo khó của họ nhưng theo thời gian, nó đã trở thành tấm gương tiêu biểu cho tính thẩm mỹ của wabi-sabi (một thứ đẹp đẽ do không hoàn hảo).
Cho đến ngày nay kỹ thuật chắp vá vẫn truyền được cảm hứng cho rất nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới lẫn Việt Nam. Archive Sashiko là thương hiệu thời trang DIY áp dụng kỹ thuật dệt may truyền thống Nhật Bản. Không quá phô trương và đại chúng, anh Thành là nhà sáng lập của Archive Sashiko – vẫn từng ngày tự tay làm nên những món thời trang patchwork nhuộm chàm kỳ công, để đem đến cho những ai thực sự yêu thích sự thủ công “khéo tay hay làm”.
5/ Reconstruction/Deconstruction (Tái cấu trúc)
Theo chia sẻ từ Mrs. Bùi Ngọc Thuỳ Trang (Giảng viên tại Ngành Thiết Kế thời trang Đại học Hoa Sen): “Deconstruction là tác động một phần để làm thay đổi nhưng không quá khác so với ban đầu… Còn Reconstruction là re-build (tái xây dựng cấu trúc) từ một sản phẩm A thành sản phẩm B, ví dụ như một chiếc quần biến thành một chiếc túi xách.”
Về bản chất, Reconstruction Clothing khá giống với DIY Clothing (Đồ tự tay làm). Hay nói đúng hơn, Rework Clothing (còn được gọi với cái tên Reconstructing Clothing) hiểu đơn giản là thiết kế lại, “hô biến” những trang phục đã qua sử dụng trở nên mới mẻ hơn. Trang phục sau khi rework sẽ được thay đổi về form dáng, màu sắc cũng như các chi tiết mới được thêm vào. Thậm chí, ta còn có thể thay đổi chức năng ban đầu của nó, ví dụ như biến quần jean thành túi xách, áo khoác, phụ kiện… (Deconstruction).
Có rất nhiều cách để Rework một trang phục, chúng ta có thể cắt những chi tiết từ món này và may, ghép chúng vào món khác. Tuỳ vào tay nghề của từng người mà các chi tiết sẽ có đường may, kiểu “chắp vá” khác nhau. Mỗi chi tiết được thêm mới vào sẽ làm cho món đồ gốc trở nên cầu kỳ, phức tạp và “xịn xò” hơn bao giờ hết. Ngoài ra, ta còn có thể nhuộm màu, làm rách, cắt tua rua, waxed cùng nhiều kỹ thuật khác để khiến sản phẩm đẹp mắt hơn.
Vì sao Custom quần áo được ưa chuộng?
Đơn giản vì không chỉ làm mới lại những trang phục đã cũ kỹ nhàm chán, mà custom clothing còn góp phần làm giảm lượng quần áo bị vứt ra môi trường mỗi năm. Ta có thể xem đây là một phong trào “làm xanh” trái đất, giảm lượng rác thải. Việc tái sử dụng quần áo cũ sẽ giúp các nguồn tài nguyên may dệt và hạn chế nguy cơ cạn kiệt chúng.
Hơn nữa, với những người vốn yêu thích thời trang thì Customize Clothing là phong trào tích cực cần được lan tỏa rộng rãi không chỉ trong ngành thời trang mà với bất kỳ ai yêu thích sự độc đáo, sáng tạo cho chính mình.
Tính độc nhất của “cuộc chơi” này là rất cao. Một sản phẩm mà bạn “tái thiết kế” sẽ trở thành phiên bản limited chỉ mỗi bạn mới có. Đây là “phương tiện” để mỗi cá nhân thể hiện bản sắc của mình, thỏa thích tạo ra các tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà không cần quan tâm việc người khác nghĩ bạn hơi điên rồ khi liên tục mày mò, cắt xén, mài vụn đống quần áo cũ của mình.